Hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế
Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, định hướng giảm lãi vay trên thị trường. “Chính phủ đã nhìn thấy CPI không phải là mối lo ngại lớn, trong khi tăng trưởng thì gặp vấn đề. Vì vậy việc hạ lãi suất để ưu tiên kích thích tăng trưởng sẽ là quyết định rất linh hoạt”, ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital nhận định.
Động lực dẫn tới quyết định giảm lãi suất của NHNN, là do tốc độ tăng trưởng GDP trong Quý I/2023 của Việt Nam bất ngờ giảm xuống mức 3,32% so với cùng kỳ năm trước từ 5,92% trong Quý IV/2022. Hơn nữa, có những dấu hiệu cho thấy sự ổn định quay lại thị trường sau các rối loạn gần đây trong hệ thống ngân hàng của Mỹ và Châu Âu (sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon và việc UBS mua lại Credit Suisse) đã giảm bớt và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Mặc dù NHNN thiên về chính sách nới lỏng hơn, nhưng các chuyên gia của UOB cho rằng, điều này không có nghĩa là sự bắt đầu một chu kỳ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ. NHNN có khả năng sẽ thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo một cách thận trọng và cân nhắc.
Lạm phát đang cho thấy, dấu hiệu hạ nhiệt, khi chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam tăng 4,18% so với cùng kỳ trong Quý I/2023 và thấp hơn mục tiêu của Chính phủ là 4,5%. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản vẫn chưa có dấu hiệu giảm đáng kể. Lạm phát cơ bản (không bao gồm giá cả lương thực, năng lượng và các dịch vụ công khác) trong Quý I/2023 đã tăng lên mức 5,01% từ 4,76% trong Quý IV/2022.
Bình luận về động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua, ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam - cho rằng, Việt Nam đã đối mặt với những khó khăn, thách thức trong năm 2022 rất tốt. Việt Nam cũng có mức lãi suất tương đối là thấp so với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh các công cụ quản lý rất linh hoạt và thực hiện quản lý tỉ giá rất hiệu quả. Điều này đưa Việt Nam đến một vị trí thích hợp để có thể nới lỏng chính sách tiền tệ.
Dự báo về lãi suất trong thời gian tới, ông Đinh Đức Quang - Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam - cho rằng: Ngân hàng Nhà nước có thể giảm tổng cộng 100 điểm cơ bản trong Quý II/2023. Điều này có nghĩa là lãi suất tái cấp vốn rất có thể sẽ giảm thêm 50 điểm nữa trước thời điểm cuối quý II. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiến hành thêm những đợt cắt giảm lãi suất khác một cách thận trọng và cân nhắc đến chỉ số giá cả trong nước và diễn biến tăng trưởng trên toàn cầu.
Theo Lao Động